Từ nhiều
năm qua, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên trong những
năm gần đây, Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác mua bán trang thiết bị quân
sự với những nước khác ngoài Nga. Đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã
dần được Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Những bước tiến bộ trong quan hệ Việt –
Mỹ khiến truyền thông dự đoán Việt Nam rất có thể sẽ mua sắm một số loại vũ khí
của Mỹ và khiến thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga vào Việt Nam giảm đi. Đứng
trước những dư luận này, suy nghĩ của người Nga ra sao, xin mời các bạn cùng điểm
lại một loạt các bài báo của Nga về chủ đề này.
Đầu tiên là bài báo Liệu vũ khí Mỹ có bảo vệ được Việt Nam
hay không? Bài báo được đăng trên trang mạng vn.sputniknews.com của ban tiếng
Việt Đài tiếng nói nước Nga hôm 22/8/2014. Bài báo này mở đầu rằng: Liệu vũ khí
Mỹ có bảo vệ được Việt Nam hay không? Đó là chủ đề thảo luận trong chuyến thăm
Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh gần đây của Chủ tịch Ủy ban tham mưu
liên quân thống nhất, đại tướng Martin Dempsey. Nhiều người Việt Nam cho rằng
vũ khí của Mỹ sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh quốc phòng khi đối mặt với sức mạnh
quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và hành động của họ trong vùng biển Đông.
Tuy nhiên, theo giáo sư Vladimir Kolotov - chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước
phương Đông của Đại học quốc gia St Petersburg, cái giá mà Việt Nam phải giả để
được cung cấp các vũ khí này có thể sẽ rất cao.
Tiếp theo đó, bài báo dẫn lời của giáo sư Kolotov nhận định
rằng: “"Trước hết muốn nói rằng quân đội Việt Nam được coi là một trong những
đội quân thiện chiến nhất ở châu Á. Đội quân này từng được tôi luyện trong cuộc
chiến khốc liệt và đã đánh bại quân đội Việt Nam Cộng hòa được trang bị vũ khí
hiện đại của Mỹ. Nếu như không nói về vũ khí sát thương, mà nói về các loại vũ
khí công nghệ cao hiện đại, thì phải biết rằng loại vũ khí này được gắn các
chip và phần mềm có thể nhận lệnh điều khiển từ xa mà người mua không hề biết.
Việc sử dụng các loại vũ khí như vậy sẽ đưa đất nước tham gia vào cuộc xung đột
vũ trang nghiêm trọng, bởi tên lửa của loại vũ khí này có thể bị nhà cung cấp từ
bên kia đại dương nhằm tới đối phương thích hợp của họ.
Ngoài ra, bằng cách
cung cấp vũ khí cho Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ mở rộng sự hiện diện của họ trong nước
này và tạo nền tảng cho "cuộc cách mạng màu" và lật đổ chế độ mà
Washington không mong muốn. Muốn biết điều đó sẽ dẫn tới đâu, hãy xem những tấm
gương như Gruzia, Libya, Syria, và bây giờ Ukraina. Nâng cao trang bị cho Quân
đội và Hải quân Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ kích động một cuộc đối đầu vũ trang giữa Việt
Nam với đối thủ địa chính trị chính của họ là Trung Quốc. Đối với Hoa Kỳ Việt
Nam là khu vực mà Trung Quốc có thể bị sa lầy trong khoảng thời gian dài. Nếu
nhớ lại tên "đường lưỡi bò" mà người Việt Nam đặt cho đường biên mà
Trung Quốc tự vẽ ra trong vùng biển Đông, có thể nói rằng bằng cách bán vũ khí
cho Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ cố gắng để "con bò Trung Quốc dương sừng” và mắc kẹt
ở Việt Nam. Muốn biết điều đó sẽ dẫn tới đâu, lại phải nhìn vào các ví dụ từ những
năm gần đây. Một trong số ví dụ đó là Iraq. Saddam Hussein 10 năm chiến đấu với
Iran vì lợi ích của Hoa Kỳ, rốt cuộc đã không thoát chết và cũng không cứu được
đất nước của mình.”
Giáo sư Kolotov cũng nhắc lại lịch sử Việt Nam thế kỷ 18 để
làm dẫn chứng. Ông nói rằng: Trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, vua Gia Long
Nguyễn Phúc Ánh đã ký thỏa thuận với người Pháp, mua vũ khí của họ, đồng thời
thực hiện các nhượng bộ trong những vấn đề như tự do truyền giáo,và quyền bất
khả xâm phạm của các nhà truyền giáo Pháp, tức là đặt quả bom nổ chậm vào nhà
nước mà ông sáng lập ra, và về sau trở thành nạn nhân chính sách mở rộng thuộc
địa của Pháp. Khi trả lời câu hỏi làm thế nào mà lực lượng viễn chinh Pháp-Tây
Ban Nha với số lượng 3500 người dám tấn công một quốc gia 10 triệu dân, không
nên quên rằng trong lòng nước này họ được gần 600 nghìn giáo dân địa phương ủng
hộ.
Ông Kolotov cũng nhấn mạnh: Ngày nay, công nghệ lật đổ các
chế độ không mong muốn đã có những bước tiến rất xa về phía trước. Dỡ bỏ lệnh cấm
vận sẽ tiếp tục đòi hỏi những nhượng bộ trong lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn
giáo, dân chủ cũng như mở rộng ở trong nước ảnh hưởng của "đội
quân thứ năm" do phương Tây kiểm soát. Trong quá khứ, giới tinh hoa Việt
Nam không lường được sự nguy hiểm của chủ nghĩa thực dân và đã lựa chọn cuộc sống
trong một thế giới ảo tưởng. Hiện nay, khi đưa ra quyết định quan trọng, cần phải
nhớ những bài học của mình và bài học trong lịch sử nước khác”.
Cho đến gần đây, khi dư luận xôn xao bàn tán về việc liệu
ông Obama sắp tới sang thăm Việt Nam thì Mỹ có gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ
khí cho Việt Nam hay không, Đài tiếng nói nước Nga cũng đã có những bình luận.
Như trong bài Ai ủng hộ loại bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam và vì sao? Đài tiếng
nói nước Nga dẫn lời chuyên viên khoa học chính trị của Nga là Grigory Lokshin
cho biết: “Ý kiến về việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam đã nhiều lần được
nêu lên và có sự ủng hộ của các đại diện tổ hợp quân sự-công nghiệp Mỹ, những
nhân vật luôn luôn sẵn sàng bán mọi thứ cho bất cứ ai. Hòa giọng với họ còn có
hàng loạt chính trị gia Mỹ, tính toán rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận sẽ
khuyến khích ban lãnh đạo Việt Nam đi tới chỉnh sửa cấu trúc nề nếp xã hội-chính
trị trong nước, dẫn đến sự ra đời của hệ thống đa đảng. Trong khi kiên quyết phản
bác những đòi hỏi về xã hội-chính trị từ phía Hoa Kỳ, ban lãnh đạo Việt Nam
cũng tán thành khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận của Mỹ trong việc bán vũ
khí”.
Ông Lokshin nói tiếp: "Tất cả các chuyến thăm gần đây của
các nhà lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Kỳ đều kèm theo đòi hỏi loại bỏ tất cả các hạn
chế. Đối với Việt Nam đó là vấn đề nguyên tắc. Chừng nào còn hạn chế, chừng đó
chưa thể nói chuyện bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, — quan điểm
của người Việt Nam là như vậy".
Tuy nhiên ông Lokshin cũng nhận xét là ngay cả khi Mỹ gỡ bỏ
hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam cũng không có nghĩa là Việt Nam sẽ
ngay lập tức vội vàng mua các vũ khí sát thương của Mỹ. Ông nói: "Việt Nam
có một đối tác truyền thống về hợp tác quân sự-kỹ thuật, đó là Nga. Trong trang
bị của Quân đội Việt Nam, 90% là vũ khí Nga. Thực chứng hiệu quả cao của vũ khí
Nga thể hiện ở Việt Nam trong những năm kháng chiến chống xâm lược Mỹ cũng như
trong quá trình các sự kiện gần đây ở Syria.
Việt Nam đang tiếp tục nhận lô
hàng máy bay chiến đấu, tàu ngầm mới do Nga cung cấp. Trung tuần tháng Tư tại
nhà máy đóng tàu Ba Son đã hạ thủy tiếp hai trong số mười tàu tên lửa
"Molnya", được đóng theo giấy phép của Nga. Và mới đây tại Nga cũng
làm lễ hạ thủy khu trục hạm chiến đấu "Gepard" thứ ba do Nga xây dựng
dành cho hải quân Việt Nam, thêm nữa, chiếc thứ tư cũng đang trong kế hoạch hạ
thủy không xa. Việt Nam đã bày tỏ mong muốn đặt hàng ở Nga thêm cặp tàu thứ ba
"Gepard". Trong đó đáng chú ý là những khu trục hạm mới sẽ được trang
bị loại tên lửa rất giống với tên lửa Klub mà tầm xa hoạt động lên đến hai
nghìn cây số, như đã chứng tỏ trong các sự kiện ở Syria.
Chuyên gia Lokshin cũng dự đoán: “Tôi không thấy sẽ có bất kỳ
thay đổi lớn nào trong chính sách mà Việt Nam thi hành về quan hệ với Hoa Kỳ. Trong
trường hợp vì lợi ích kiềm chế Trung Quốc mà Hoa Kỳ dành sự giúp đỡ công nghệ,
mở thị trường, thì hẳn là Việt Nam sẵn sàng sử dụng. Nhưng sẽ không bao giờ có
nhượng bộ trong những vấn đề cốt yếu. Washington chẳng nên trông đợi một liên
minh quân sự nào với Hà Nội, mà cần hiểu chủ trương nguyên tắc "ba
không" của Việt Nam. Đó là: không có căn cứ nước ngoài, không có khối quân
sự và không liên minh với nước nào nhằm chống lại bên thứ ba".
No comments:
bình luận nhận xét bạn đọcNote: Only a member of this blog may post a comment.