Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

17 January 2025

Việt Nam và Ba Lan tăng cường quan hệ quốc phòng

Ba Lan và Việt Nam đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về quốc phòng, an ninh và công nghệ, vài ngày sau khi Hà Nội thúc đẩy cộng tác về năng lượng hạt nhân với Moscow.



Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Balan đã công bố kế hoạch tăng cường quan hệ song phương sau cuộc đàm phán ở Warsaw hôm 16/1. Hai ngày trước, Việt Nam và Nga đã ký thỏa thuận nhằm phục hồi dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, vốn đã bị đình chỉ năm 2016.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính đã tập trung cuộc thảo luận vào tăng cường thương mại song phương, đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực chính như quốc phòng và công nghệ hiện đại.

Ông Tusk nói sau cuộc gặp: "Hợp tác kinh tế với Việt Nam là điều hứa hẹn, đặc biệt với tốc độ tăng trưởng nhanh của cả hai nền kinh tế chúng ta".

"Đầu tư của Ba Lan trong công nghiệp quốc phòng rất được hoan nghênh ở Việt Nam," ông Tusk nói thêm.

Ông cũng nói rằng hai lãnh đạo đã thảo luận "rất cởi mở" về căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến ở Ukraine, chủ yếu là về "những gì Ba Lan và Việt Nam có thể làm cùng nhau để làm cho cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt", Tusk nói.

Trong chuyến thăm tới Warsaw, Thủ tướng Việt Nam đã công bố gỡ bỏ yêu cầu thị thực với du lịch ngắn ngày theo nhóm của người Ba Lan tới Việt Nam. Ông cũng ca ngợi các thành tựu kinh tế của Ba Lan.

"Chúng tôi ngưỡng mộ sức mạnh của nền kinh tế Ba Lan và cách mà nước này tiếp tục cải thiện mức sống. Một tiến trình tương tự đang diễn ra ở Việt Nam," ông Chính nói. Ông nhấn mạnh rằng thương mại giữa hai nước đã tăng 14% vào năm 2024, đạt 3,4 tỷ USD.

"Ba Lan và Việt Nam muốn tập trung vào các lĩnh vực chính như quốc phòng và công nghệ hiện đại, bao gồm sản xuất drones," ông Chính nói.

Nguồn: https://tvpworld.com/84553216/poland-and-vietnam-boost-defense-ties-days-after-hanoi-deal-with-moscow

16 January 2025

Nga nói sẽ tạo điều kiện để VN trở thành đối tác của khối BRIC

Nga sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia vào khối BRIC trong tư cách "nước đối tác", theo tuyên bố chung hôm 15/1 sau chuyến thăm hai ngày của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến Hà Nội.



Tuyên bố viết: Phía Nga hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các sự kiện của BRIC năm 2024 và bày tỏ sẵn sàng tạo các điều kiện thuận lợi nếu Việt Nam gia nhập BRICS như một nước đối tác.

BRICS được thành lập bởi Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc vào năm 2009 và sang năm 2010 có thêm Nam Phi. Khối này được thành lập nhằm đối trọng với nhóm G7. Năm ngoái, khối này đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE. Ả Rập Xê-ut đã được mời tham gia. Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập và một vài nước khác đã bày tỏ quan tâm.

Láng giềng ở Đông Nam Á của Việt Nam là Indonesia đã được chấp nhận tư cách thành viên đầy đủ của BRIC trong tháng này. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn dè dặt, theo lời Nguyễn Khắc Giang, thành viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishark ở Singapore.

"Hà Nội vẫn thận trọng về những gì chính quyền Trump sẽ nghĩ về khối BRICS và hậu quả tiềm tàng của việc trở thành thành viên đầy đủ trong kịch bản xấu nhất. Trong khi đó, lợi ích vẫn chưa chắc chắn để Hà Nội chấp nhận rủi ro như vậy", ông Giang nói.

Việt Nam cần ủng hộ từ Mỹ để thúc đẩy các tham vọng kinh tế và đa dạng hóa quan hệ quốc phòng. Nga đã cố gắng tăng cường quan hệ ở châu Á để bù đắp cho tình trạng bị cô lập quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.

Trong chuyến thăm của ông Mishustin đến Hà Nội, hai nước đã đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tuyên bố chung viết: "Nga sẵn sàng tham gia vào xây dựng công nghiệp điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam".

Nguồn: https://www.independent.co.uk/news/russia-ap-vietnam-brics-hanoi-b2680040.html

Dự án đường sắt cao tốc VN sẽ tác động đến cả thị trường vật liệu thô toàn cầu

Dự án đường sắt cao tốc Việt Nam với chi phí ước tính 67 tỷ USD, đại diện cho một sự hồi sinh mạnh mẽ của mơ ước về tàu cao tốc của đất nước. Trải dài 1500 km, tuyến đường sắt này sẽ kết nối Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian di chuyển xuống 6 giờ và biến Việt Nam trở thành một cường quốc logistic ở Đông Nam Á. 




Khi Việt Nam bắt tay vào dự án này, Tập đoàn tài chính EBC nhấn mạnh vào xu hướng thị trường lớn hơn đang nổi lên từ những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như vậy, cung cấp những nhận thức để giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định phù hợp trong một bối cảnh tài chính đang diễn biến nhanh.

Nhân tố chủ yếu làm cho dự án này khác biệt là Việt Nam lựa chọn dựa vào nguồn tài trợ nội địa chứ không phải dựa vào các khoản vay nước ngoài như các dự án hạ tầng trước đây. Bằng cách dựa vào nguồn lực trong nước, Việt Nam giảm bớt mối nguy cơ trước các rủi ro tài chính bên ngoài, giữ được sự kiểm soát lớn hơn với quá trình thi công dự án và củng cố sự độc lập kinh tế của mình. Sự thay đổi này phản ánh một chiến lược tài chính trưởng thành hơn, gắn với tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về tăng trưởng bền vững và bền bỉ, xác lập cho quốc gia sự tự chủ kinh tế và phát triển bền vững.

Các nỗ lực trước đây về phát triển đường sắt tốc độ cao đã bị cản trở vì quá phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài và các điều khoản không thuận lợi. Lần tái khởi động này dựa vào nguồn lực nội địa, trao cho Việt Nam khả năng giữ lại quyền kiểm soát quá trình điều hành và kết quả của dự án.

Ngoài logistic, sự phát triển đường sắt còn tạo thêm việc làm, thúc đẩy công nghiệp địa phương và cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng. Các nhà phân tích dự tính dự án sẽ thúc đẩy đáng kể GDP của Việt Nam, củng cố kết nối thương mại trong khối ASEAN và tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Quyết định của Việt Nam nhằm ưu tiên nguồn tài trợ nội địa cho dự án đường sắt cao tốc này đánh dấu một sự chuyển hướng đáng kể so với các dự án trong quá khứ. Cách tiếp cận này không chỉ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động của thị trường cho vay quốc tế mà còn báo hiệu một sự chuyển hướng sang sự tự chủ kinh tế lớn hơn. Bằng cách khai thác nguồn lực trong nước, Việt Nam củng cố năng lực của mình để định hình quỹ đạo phát triển một cách độc lập, tạo ra một ví dụ cho các nước ASEAN khác.

Với nhà đầu tư toàn cầu, động thái này phản ánh không chỉ là một cột mốc về cơ sở hạ tầng. Nó báo hiệu sự trưởng thành, sức đàn hồi và chất lượng kinh tế đang tăng lên -những điều đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một thị trường hứa hẹn và ổn định. Khi quốc gia này nâng cao vai trò trong khuôn khổ kinh tế của ASEAN, tư thế độc lập tài chính xác định họ trở thành một tiếng nói có ảnh hưởng trong việc định hình các chính sách và chiến lược đầu tư của khu vực.

Dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam được kỳ vọng tạo ra một đợt tăng mạnh về nhu cầu đối với vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng và năng lượng và sẽ tạo hiệu ứng gợn sóng với thị trường nguyên liệu thô toàn cầu. Khi dòng vật liệu thô chảy vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cho dự án hạ tầng này, các nhà cung cấp cả trong và ngoài khu vực này có thể được trải nghiệm những chuyển dịch về giá cả và sản xuất.

Các nhà phân tích dự đoán rằng những động năng này có thể định hình lại chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường trong các nước xuất khẩu vật liệu thô. Sự tăng vọt nhu cầu vật liệu thô như thép, xi măng, năng lượng cũng có thể có tác dụng phụ lên các hàng hóa như dầu thô - vốn gắn bó với ngành xây dựng và vận tải.
Lược dịch từ:
https://www.wivb.com/business/press-releases/ein-presswire/777156080/ebc-financial-group-on-vietnams-usd67-billion-high-speed-railway-a-game-changer-for-global-commodity-markets/

15 January 2025

Ngoại trưởng TQ nói sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Việt Nam

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị hôm 14/1 đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ ở Bắc Kinh trong cuộc tham vấn chiến lược đầu tiên giữa bộ ngoại giao hai nước. Ông Vương Nghị đã kêu gọi những nỗ lực phối hợp để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.



Năm nay kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa TQ và Việt Nam, cũng như năm giao lưu nhân dân hai nước.

Đứng trước điểm khởi đầu lịch sử mới, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam để tiếp nối sự nhất trí quan trọng đã đạt được của lãnh đạo hai nước, tăng cường các trao đổi cấp cao, làm sâu sắc tin cậy chiến lược và mở rộng hợp tác cùng có lợi, Vương Nghị nói.

Những động thái này nhằm phục vụ cho hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của mỗi quốc gia và đưa quá trình xây dựng cộng đồng TQ - VN chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược lên một tầm cao mới, Vương Nghị nói thêm.

Ông Nguyễn Minh Vũ nói Việt Nam luôn coi quan hệ với TQ là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược. Việt Nam sẵn sàng lấy dịp kỷ niệm này làm một cơ hội và dùng nhiều cơ chế đối thoại để làm đòn bẩy nhằm thúc đẩy tiến trình vững chắc hơn trong xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai giữa hai nước.

Nguồn: https://www.chinadaily.com.cn/a/202501/14/WS678642eca310f1265a1dacb7.html

Thủ tướng Slovakia bị gây sức ép sau chuyến thăm Nga và VN

Các đảng đối lập Slovakia đang muốn kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Thủ tướng Robert Fico vì xu hướng thân Nga của ông, theo thông tin từ cuộc họp báo hôm qua.

Thủ tướng Robert Fico.

Michal Šimečka, chủ tịch của đảng Tiến bộ Slovakia - đảng đối lập chính, nói rằng: Robert Fico đã rời khỏi Slovakia. Thay vì ở trong nước và giải quyết các vấn đề mà người dân đang phải đối mặt thì ông ta bay khắp thế giới, khúm núm trước những kẻ chuyên quyền, hưởng thụ xa xỉ ở đâu đó tại Việt Nam, xúc phạm các láng giềng và đối tác của chúng ta và rời bỏ việc quản trị ở đất nước chúng ta".

Fico đã rơi vào tâm điểm truyền thông vì một chuyến thăm gây ngạc nhiên tới Moscow tháng trước. Ở đó ông đã gặp Tổng thống Putin trong một nỗ lực cuối cùng để tìm kiếm nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga cho Slovakia, sau khi Ukraine kết thúc hợp đồng trung chuyển với Gazprom. Việc này đã gây ra hằn thù cá nhân với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Trở về nước, Fico phải hứng búa rìu từ báo chí Slovakia và các đảng đối lập đã ở trong một khách sạn xa xỉ ở Việt Nam, nơi mà giá nghỉ một đêm là hơn 5000 euro trong khi công dân Slovak đang đối mặt cuộc khủng hoảng về phúc lợi và chi phí sinh hoạt.

Fico phủ nhận các báo cáo truyền thông và nói ông chỉ sử dụng khách sạn này cho một cuộc họp chính thức và đã đưa ra bản sao lưu xác nhận từ khách sạn.

Sự leo thang của phe đối lập nhằm hạ bệ Fico diễn ra một ngày sau khi ông tỏ ý rằng có thể có cuộc bầu cử bất thường nếu như liên minh của ông không phá vỡ được sự bế tắc trong quốc hội hiện nay. Liên minh của Fico hiện chỉ giữ 76 trên tổng số 150 ghế của quốc hội trong khi phe đối lập nắm 71 ghế. 3 nghị sĩ còn lại là những nghị sĩ độc lập.

Michal Vašečka, nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu chính sách Bratislava, nói với tờ Politico rằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể diễn ra theo một trong hai cách.

"Thực tế là ngay cả Robert Fico cũng đang do dự rằng liệu ông có thể giành được đa số không. Nếu như ông không phát đi tín hiệu bầu cử đột xuất thì sáng kiến này có lẽ đã không xuất hiện... Đó là khoảnh khắc được giải phóng của phe đối lập", Vašečka nói khi đề cập tới cảnh tượng chưa từng có khi mọi đảng đối lập đang đoàn kết sau sáng kiến này.

Lược dịch từ: 
https://www.politico.eu/article/slovakia-opposition-pressure-robert-fico-putin-russia-vietnam-hotel/

11 August 2024

Canh bạc của Ukraine khi quyết định tấn công sang vùng Kursk của Nga

Ukraine quyết định tung một lượng lớn trong dự trữ quân sự hiếm hoi của mình sang lãnh thổ Nga nhằm tìm kiếm những tiêu đề truyền thông nhưng đến nay, một mục tiêu chiến lược chưa rõ ràng có thể trở thành hoặc là sự liều lĩnh hoặc là sự truyền cảm hứng cho Ukraine.

Nó có lẽ báo trước một giai đoạn mới của cuộc chiến, bởi vì những vụ xâm nhập vào đất Nga của Ukraine giờ đây đang mới mẻ theo cách nào đó. Trước đây nó thường được thực hiện bởi những người vốn là công dân Nga nhưng chiến đấu cho Ukraine với sự hỗ trợ quân sự của Ukraine.


Nhưng lần này thì khác. Ít nhất là theo phía Nga thì quân chính quy Ukraine là những người thực hiện cuộc tấn công vào Nga. Đây là một động thái hiếm hoi của các tướng lĩnh Ukraine, những người đã bị chỉ trích rất nhiều trong 18 tháng qua là quá bảo thủ và chậm chạp.

Hôm 6/8, Ukraine đã lấy những nguồn lực rất cần thiết của họ cộng với các lính mới để tung vào bên trong lãnh thổ Nga. Hiệu quả ngay lập tức của nó đã thỏa mãn được 2 nhu cầu: Thứ nhất là một tiêu đề truyền thông làm bẽ mặt người Nga và kích thích nhuệ khí của người Ukraine. Thứ hai là binh sỹ của Nga phải phân tán để chi viện cho biên giới của họ.

Sau hàng tuần Kiev nhận các tin tức xấu, trong đó lực lượng Nga đã tiến chậm nhưng chắc hướng về các trung tâm quân sự của Ukraine như Pokrovsk và Sloviansk; bỗng Moscow lại phải vật lộn để củng cố mặt trận quan trọng nhất của họ là biên giới.

Nhưng dù cho hôm 7/8, Kiev đã từ chối nói bất kỳ điều gì về cái mà Tổng thống Nga Putin gọi là “sự khiêu khích lớn”, sự thông thái của canh bạc này vẫn bị ngay chính các nhà quan sát Ukraine nêu lên.

Có thể có một chiến lược lớn hơn ở đây. Ít nhất là hiện giờ Sudzha đã một phần nằm dưới kiểm soát của Ukraine. Nó nằm cạnh một nhà máy lọc dầu Nga ngay trên biên giới. Nhà máy đó là nguồn cung cấp khí đốt chính cho châu Âu đi qua Ukraine.

Thỏa thuận cung cấp khí đốt đó được nói là sẽ kết thúc vào tháng 1 tới và vụ tấn công qua biên giới Nga có thể là một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn lợi tài chính béo bở cho Moscow – điều đã khiến Kiev tức giận kể từ khi Nga bắt đầu phát động chiến tranh đầu năm 2022. Đến ngày 8/8, vẫn chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy nguồn cung khí đốt này bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên vẫn có những câu hỏi lớn về mục tiêu chiến lược của Oleksandr Syrskyi - vị chỉ huy tương đối mới của Ukraine. Sự chia rẽ trong bộ chỉ huy của ông, gần đây đã được đồn đại trong công chúng. Các thuộc cấp trẻ hơn đang đặt câu hỏi về sự sẵn sàng của Syrskyi về chịu đựng thương vong lớn trong các trận chiến tiêu hao ngoài mặt trận, trong đó quân Nga luôn áp đảo về số lượng.

Đó là một tư duy từ thời Xô viết và Syrskyi là người từ kỷ nguyên đó. Nhưng những ai đang chết hoặc trở về nhà trong tình trạng tàn phế thường là từ một thế hệ trẻ hơn. Họ có lẽ thường coi trọng sự khéo léo và mưu mẹo hơn là sự kiên nhẫn tàn bạo.

Trong nhiều tháng, Ukraine đã ưu thế hơn trong việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ Nga như đường băng sân bay, căn cứ hải quân, nhà máy lọc dầu nhằm gây các thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế và cỗ máy chiến tranh của Nga. Nhưng lần này thì lại khác. Đưa một lượng lớn bộ binh vào sâu hàng dặm trong đất kẻ thù – nơi mà tuyến tiếp tế của Ukraine sẽ gặp nguy hiểm hơn và các mục tiêu được xác định là khó theo đuổi hơn.

Động thái này diễn ra ở thời điểm khi nỗ lực của người Ukraine đã bắt đầu trông thấy lợi ích hữu hình từ việc các vũ khí phương Tây cuối cùng cũng chuyển tới.

Máy bay chiến đấu F-16 có thể gây áp lực với ưu thế trên không đang suy yếu của Nga trong nhiều tháng tới. Điều đó có nghĩa là bom lượn tấn công bộ binh Ukraine trên mặt trận sẽ ít đi và tên lửa bắn vào các khu vực đô thị Ukraine sẽ giảm xuống. Đạn dược vẫn là vấn đề với Kiev nhưng chắc chắn cung cấp của phương Tây cuối cùng có thể lấp đầy khoảng trống.



Vậy thì tại sao lại có hành động rủi ro cao như việc tấn công sang Nga lúc này? Nếu chúng ta nhìn xa hơn tin tức tích cực trước mắt tổng thống Zelensky thì những mục tiêu khác sẽ hiện ra. Lần đầu tiên trong chiến tranh, chuyện đàm phán đã được đề cập tới. Nga có thể được mời tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo do Ukraine và các đồng minh tổ chức.

Mặc dù tỉ lệ người Ukraine ủng hộ đàm phán đang là thiểu số nhưng nó đang gia tăng. Khả năng Trump thắng cử ở Mỹ đang treo lơ lửng trên đầu Kiev. Phó Tổng thống Harris có thể duy trì sự kiên định như Tổng thống Biden về vấn đề Ukraine. Nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng chính sách đối ngoại phương Tây là thứ hay thay đổi và dễ kiệt sức. Việc NATO khăng khăng hậu thuẫn Ukraine là một ngoại lệ. Và khi cuộc chiến sắp bước vào năm thứ 4, các câu hỏi về việc kết thúc nó sẽ trở nên lớn tiếng hơn.

Liệu có bất kỳ giá trị thực sự nào cho Ukraine để chiến đấu và hy sinh mà không có viễn cảnh thực tế về việc thu hồi lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng? Liệu Nga có muốn một cuộc chiến không giới hạn, trong đó họ mất hàng ngàn người chỉ để tiến lên được vài trăm met và chứng kiến khả năng quân sự rộng lớn hơn của mình bị hao mòn dần dần vì các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine không?

Với triển vọng giải quyết thông qua đàm phán hiện nay đã bớt xa vời hơn, cả hai phía sẽ tranh thủ để cải thiện tư thế chiến trường của mình trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Vẫn chưa rõ rằng việc Ukraine tiến quân vào Kursk có mang động cơ như vậy không hay chỉ đơn giản là để gây thiệt hại ở chỗ yếu của kẻ thù.

Nhưng dù sao thì đây cũng là một canh bạc lớn và hiếm hoi trong điều kiện Kiev chỉ có nguồn lực hạn chế và nó có thể báo hiệu rằng người Ukraine tin rằng sự thay đổi lớn hơn đang ở phía trước.

Theo CNN

09 August 2024

Mạng TQ nói VN muốn mua F-16 nhưng lúc quyết định lại hối hận


Bài viết trên trang Tencent của TQ nói rằng vừa qua Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ nhưng lúc quyết định lại hối hận rút lại. Trong bài viết còn phân tích thêm nhiều vấn đề, khía cạnh khác về chính trị, tình hình khu vực, mời quý vị theo dõi toàn văn trong video dưới đây: 



Video VN Youtuber