Mấy ngày nữa tàu sân bay Mỹ sẽ thăm cảng Đà Nẵng, nhân dịp này, xin giới thiệu với quý vị độc giả một bài viết phân tích về giá trị địa lý chiến lược và địa lý kinh tế của cảng Đà Nẵng do học giả Trung Quốc viết đăng trên mạng Sohu:
Từ ngày 6 đến 11/11/2017, hội nghị các nhà lãnh đạo khối
APEC lần thứ 25 đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Đà Nẵng – thành
phố vừa cổ kính vừa trẻ trung này đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Đà Nẵng nằm tại khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam, ở chỗ
ngang eo của lãnh thổ Việt Nam, Bắc cách thủ đô Hà Nội 764 km, Nam cách thành
phố Hồ Chí Minh 964 km, là thành phố cảng lớn thứ hai của Việt Nam sau thành phố
Hồ Chí Minh. Đà Nẵng cũng là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam sau thành phố Hồ
Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng.
Danh xưng Đà Nẵng là phương ngữ, nghĩa là cửa sông lớn, con
sông lớn ở đây chính là sông Hàn chảy xuyên qua thành phố ra biển. Khí hậu Đà Nẵng
rất tốt, bốn mùa mặt trời soi sáng, dựa núi cạnh biển, là một nơi du lịch nổi
tiếng của Việt Nam. Từ Đà Nẵng đi Thuận Hóa qua vịnh Lăng Cô được tạp chí Địa
lý quốc gia của Mỹ đánh giá là một trong 50 địa điểm mà một người nên đến trong
đời. Bãi biển Mỹ Khê với bãi cát trải dài hàng chục km được tạp chí Forbes của
Mỹ đánh giá là một trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới, được gọi là Hawaii
phương Đông. Năm 2015, một trang web tìm kiếm địa điểm du lịch đẳng cấp thế giới
của Anh xếp Đà Nẵng vào danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất mà chi phí thấp
nhất.
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của 3 di sản văn hóa thế giới
của Việt Nam là cố đô Huế, thành phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Từ hồi thế
kỷ 17, 18 đây đã là một vùng đất phồn hoa, là một thành phố có bề dày nhân văn
lịch sử.
Đà Nẵng ở vào nơi giao thông trên bộ Nam Bắc Việt Nam đều phải
đi qua, khống chế được Đà Nẵng là sẽ khống chế được tất cả các con đường giao
thông trên bộ giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Điều này khiến Đà Nẵng trong lịch
sử là nơi các binh gia cần tranh đoạt.
Trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm thế giới thế kỷ
19, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tháng 8/1858, pháo hạm của quân Pháp nã đạn
vào cửa biển Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hơn 20 năm
sau toàn bộ Việt Nam trở thành đất thực dân của Pháp, Đà Nẵng được cải danh
thành Tourane. Năm 1889 thực dân Pháp đặt Đà Nẵng dưới quyền trực thuộc phủ Tổng
đốc. Đà Nẵng chính là tô giới Pháp sớm nhất ở Việt Nam. Trong Thế chiến thứ 2,
Đà Nẵng từng bị quân Nhật chiếm. Sau Thế chiến thực dân Pháp quay lại Việt Nam,
Đà Nẵng lại một lần nữa bị quân Pháp chiếm.
Từ cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1955 đến 1975 cho đến thời
kỳ dài sau chiến tranh, Đà Nẵng chứng kiến sự hỗn loạn biến thiên của cục diện
quốc tế dưới bối cảnh chiến tranh lạnh.
Ngày 8/3/1965, 3500 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên cảng Đà Nẵng,
trực tiếp tham gia chiến tranh, trở thành lớp lính Mỹ đầu tiên tiến vào chiến
trận. Chiến tranh Việt Nam cũng từ đó chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến
tranh cục bộ. Đà Nẵng dần dần được quân Mỹ xây dựng mở rộng thành một căn cứ hải
quân không quân lớn. Năm 1975 chiến tranh kết thúc, Việt Nam thống nhất Nam Bắc,
Đà Nẵng trở thành trụ sở Bộ Tư lệnh vùng 3 hải quân của Việt Nam. Sau năm 1975,
Hải quân Liên Xô được cho thuê trú đóng ở Đà Nẵng, nơi đây trở thành căn cứ hải
quân của Liên Xô và là căn cứ tiền duyên để Liên Xô tranh bá với Mỹ ở châu Á
Thái Bình Dương.
Năm 1986 Việt Nam bắt đầu cải cách mở cửa, đặc biệt là từ
1997 Chính phủ Việt Nam tuyên bố tách tỉnh Quảng Nam riêng với thành phố Đà Nẵng,
kinh tế Đà Nẵng bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Tài nguyên du lịch phong phú và tiềm
lực phát triển kinh tế to lớn khiến Đà Nẵng hấp dẫn khách du lịch và người đầu
tư từ nhiều nơi trên thế giới. Đà Nẵng cũng từng bước trở thành trung tâm kinh
tế lớn nhất ở miền Trung Việt Nam, từ đó được người địa phương gọi là “kỳ tích
sông Hàn”.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 3/2015, Đà Nẵng
phê duyệt tổng cộng 332 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 3,4 tỷ USD. Du
khách và nhà đầu tư từ Trung Quốc ở Đà Nẵng cũng liên tục gia tăng. Thêm nữa
trong số các thành phố của Việt Nam, nơi có đường bay thẳng đi Quảng Châu, Thượng
Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến, Thành Đô, Trùng Khánh, Nam Ninh, Côn Minh, Ôn Châu,
Thanh Đảo, Tam Á, Hong Kong, Macao chỉ có Đà Nẵng.
Lấy việc chuẩn bị cho hội nghị APEC làm cơ hội, 5 năm qua Đà
Nẵng lại phát triển nhanh. Có tư liệu nói để nghênh tiếp hội nghị, chính quyền
Đà Nẵng đã xây dựng mới một loạt công trình hiện đại quy mô, trong đó có Trung
tâm hội nghị 2500 chỗ ngồi, mở rộng sân đỗ máy bay ở sân bay Đà Nẵng ...
Những
công trình này hoàn thành đúng kỳ hạn cùng với việc cử hành hội nghị APEC thuận
lợi đã chứng tỏ rõ ràng là chính phủ trung ương Việt Nam và chính quyền Đà Nẵng
có năng lực tổ chức, động viên và phối hợp lớn, cũng cho thấy Đà Nẵng có sức
thu hút với quốc tế rất lớn.
Mấy năm gần đây, Việt Nam kiên trì không kết đồng minh, kết
nhiều bạn, giảm thù địch, tích cực tận lực thúc đẩy đa phương hóa, đa dạng hóa
ngoại giao. Ngoại giao quân sự cũng ngày càng nổi bật. Hải quân Việt Nam chiếm
một vai trò quan trọng trong ngoại giao quân sự của Việt Nam. Mà Đà Nẵng là một
trong những cảng quan trọng của Việt Nam nên trong ngoại giao quân sự nó cũng
có một sứ mệnh đặc thù.
Bờ biển Việt Nam ước tính dài chừng 3260 km, tổng cộng có
khoảng 60 cảng lớn nhỏ. Hải quân chủ yếu phân ra trú đóng ở 4 căn cứ và 5 cảng
quân sự kết hợp thương mại. Trong đó Cam Ranh là trụ sở của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải
quân, là cảng nước sâu tốt nhất của Việt Nam. Căn cứ hải quân Hải Phòng là Trụ
sở Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đồng thời là nơi đóng Bộ Tư lệnh Hải quân Việt
Nam, cũng là nơi neo đậu tàu chiến và tàu hỗ trợ của hải quân Việt Nam ở Bắc Bộ.
Căn cứ hải quân ở thành phố Hồ Chí Minh đóng ở cảng nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn,
là căn cứ chủ yếu của các tàu hộ vệ chủ yếu của Hải quân Việt Nam và cũng có sở
chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Căn cứ Đà Nẵng là trụ sở Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, nằm
trong vịnh Đà Nẵng với diện tích mặt nước 106 km2, độ sâu trên 10m. Trong căn cứ
hải quân có 4 cầu tàu, phía đông cảng có xưởng sửa chữa hải quân X50, có thể sửa
chữa tàu trọng tải từ 350 tấn trở xuống. Ngoài ra Đà Nẵng cũng là một cảng
thương mại, có 4 bến neo đậu tàu trọng tải cỡ vạn tấn.
Ngày 28/7/2004, tàu khu trục tên lửa của Mỹ ghé cảng Đà Nẵng.
Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ ghé Đà Nẵng sau chiến tranh.
Sau đó, cùng với quan hệ Việt Mỹ ngày càng tăng cường hợp
tác nồng ấm và cùng địa vị của Việt Nam ngày càng quan trọng trong chiến lược
châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, tàu hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng ngày càng nhiều.
Ngày 15/7/2011, 3 tàu Mỹ gồm 2 tàu khu trục và một tàu hỗ trợ
đã ghé cảng Tiên Sa Đà Nẵng và cùng Hải quân Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giao
lưu văn hóa thể thao và diễn tập. Sĩ quan cao cấp Mỹ cho biết lần đào tạo đó tập
trung vào dẫn đường trên biển, sửa chữa bảo dưỡng, kỹ năng hàng hải là những
khoa mục phi chiến đấu.
Phía Mỹ rất coi trọng lần thăm cảng Đà Nẵng đó, cũng mượn cơ
hội đó để biểu lộ Mỹ quyết tâm duy trì sự hiện diện quân sự ở châu Á Thái Bình
Dương. Viên Chuẩn Đô đốc của Mỹ khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP nói
Mỹ đã có lịch sử hiện diện quân sự 5 60 năm ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông
và rằng “chúng tôi không có ý định nới lỏng các hoạt động quân sự ở châu Á Thái
Bình Dương”. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh, lần huấn luyện đó là giao lưu
quân sự thông thường giữa hai nước, mục đích là tăng cường quan hệ song phương
Việt Mỹ, không có liên quan gì đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam khi
đó. Nhưng phía Trung Quốc cho là trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm của tình hình
như vậy, nước Mỹ cùng với Philippines, Việt Nam thực hiện diễn tập quân sự ở Biển
Đông là cực kỳ không thỏa đáng.
Sau đó, từ 2012 đến 2016, nhiều tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ
liên tục đến thăm Đà Nẵng. Tháng 7/2017, hai tàu của Hải quân Mỹ đã thực hiện
chuyến thăm 4 ngày đến cảng Cam Ranh đồng thời tham gia diễn tập hải quân liên
hợp lần thứ 8 ở cảng Đà Nẵng.
Ngoài ra, từ 2013 đến 2016, tàu tuần tra của lực lượng tự vệ
bờ biển Ấn Độ cùng tàu hộ vệ của lực lượng cảnh vệ trên biển Ấn Độ đã đến thăm
cảng Đà Nẵng. Năm 2015 và 2016, lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cũng đưa tàu
cùng máy bay tuần tra chống ngầm P-3C đến thăm cảng Đà Nẵng.
Ngoài các nước này, cả Trung Quốc và Nga trong năm 2010 và
2015 đều đã cử tàu hộ vệ và tàu khu trục đến thăm cảng Đà Nẵng.
Các sự việc trên đây cho thấy giá trị địa lý chiến lược và địa
lý kinh tế rất quan trọng của cảng Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của các nước lớn
chủ yếu ở châu Á Thái Bình Dương.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang mở cửa một cách thận trọng
cảng Đà Nẵng và Cam Ranh cho các tàu Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, chỉ muốn
các tàu này neo đậu bổ sung hậu cần hoặc thăm viếng. Đồng thời cơ quan chức
năng Việt Nam nhiều lần bày tỏ rõ ràng, những cảng nói trên không chỉ mở riêng
cho một nước nào, cũng không cho bất kỳ nước nào xây dựng căn cứ quân sự ở Việt
Nam, thể hiện tầm nhìn của Việt Nam về cân bằng quyền lực giữa các nước lớn.
Cảng Đà Nẵng ngày nay đã trở thành một cửa sổ để cộng đồng
quốc tế hiểu Việt Nam. Sự phát triển của Đà Nẵng cũng được cho là bức tranh thu
nhỏ phản ánh thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm cải cách mở cửa.
Tác giả Dương Đơn Trí là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu an ninh
khu vực thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
No comments:
bình luận nhận xét bạn đọcNote: Only a member of this blog may post a comment.