Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

27 October 2018

Báo Nga: Việt Nam muốn mua tiếp 2 tàu Gepard

Việt Nam đang có kế hoạch mua thêm một lô tàu đa năng thuộc dự án 11661E Gepard 3.9 được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại. 

Theo một số phương tiện truyền thông Nga, vấn đề này đã được thảo luận trong cuộc họp của Tổng thống Cộng hòa Tatarstan Rustam Minnikhanov với Đại sứ Việt Nam Ngô Đức Mạnh. Các tàu hộ vệ thuộc dự án 11661E đã được đóng từ năm 1990 tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk tại Tatarstan. Các tàu này được thiết kế cho mục đích tìm kiếm và chống các mục tiêu tàu ngầm, mặt nước và trên không, tiến hành tuần tra, vận tải và bảo vệ vùng kinh tế biển. 


Hợp đồng mua sắm tàu Gepard đầu tiên trị giá khoảng 350 triệu USD đã được Rosoboronexport ký với Việt Nam năm 2006. Chiếc đầu tiên được đặt ky ngày 10/7 và chiếc thứ hai được đặt ky ngày 28/11/2007. Sau đó hai chiếc lần lượt bàn giao. Chiếc đầu có số hiệu tại nhà máy là 954 sau đó Việt Nam đánh số 011 mang tên Đinh Tiên Hoàng đã đi vào hoạt động ngày 5/3/2011. Chiếc thứ hai có số hiệu tại nhà máy là 955, sau đó Việt Nam đánh số 012 mang tên Lý Thái Tổ và đi vào phục vụ ngày 22/8/2011. 

Việt Nam đánh giá cao những tàu đã được chứng minh là đáng tin cậy trong việc đảm bảo an ninh của đất nước và đã thúc đẩy họ đặt hàng một cặp tàu Gepard thứ hai với một hợp đồng liên chính phủ trị giá khoảng 700 triệu USD ngày 17/10/2012. Cặp tàu thứ hai được tăng cường vũ khí chống ngầm và đã được khởi công trang trọng ngày 24/9/2013. 

Quá trình đóng cặp tàu thứ hai phức tạp do vấn đề chính trị và việc Ukraine từ chối cung cấp động cơ tàu dẫn đến kế hoạch đóng tàu bị thay đổi. Việc hạ thủy tàu thứ ba - Trần Hưng Đạo (số nhà máy 956) và thứ tư - Quang Trung (số nhà máy 957) đã diễn ra vào ngày 27/4 và 26/5/2016. Tháng 9 và tháng 10/2016, các tàu được chuyển bằng đường thủy nội địa từ Zelenodolsk đến Novorossiysk để thử nghiệm và huấn luyện cho thủy thủy đoàn Việt Nam. Ngày 27/10/2017, tàu Trần Hưng Đạo được tàu vận tải Rolldock vận chuyển đến căn cứ hải quân Cam Ranh. Tàu Quang Trung được chuyển đến vào đầu năm nay và đến 6/2/2018 tàu đã chính thức được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. 



Các tàu thuộc dự án 11661E có lượng giãn nước đầy tải gần 2000 tấn và được trang bị tên lửa chống hạm mạnh cùng tên lửa phòng không và pháo. Vũ khí chính là hệ thống tên lửa chống tàu Uran-E. Trên con tàu Tatarstan thuộc dự án này biên chế cho Hải quân Nga, cấu hình vũ khí của nó cũng tương tự tàu bán cho Việt Nam, nhưng chiếc thứ hai là Dagestan thì chuyển sang trang bị hệ thống tên lửa Kalibr-NK nổi tiếng có thể phóng một số loại tên lửa có độ chính xác cao. Đó là những tên lửa đã tấn công thành công vào vị trí những phần tử khủng bố từ biển Caspian tháng 10/2015. 

Việt Nam từ lâu đã được coi là một đối tác của Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Moscow hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam - lên tới 90%. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã ưu tiên phát triển hải quân và không quân do gia tăng căng thẳng trong tranh chấp các hòn đảo ở Biển Đông và Trung Quốc tuyên bố yêu sách toàn bộ khu vực. Việt Nam cũng đã mua giấy phép sản xuất các tàu tên lửa Molniya 12418, 6 tàu ngầm thuộc dự án Varshavyanka 636.1 và máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2. 

Quân đội Nga sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam kinh nghiệm trong việc kiểm tra thiết bị quân sự trong điều kiện chiến đấu. Đối với hoạt động đào tạo chung năm 2018, nhân viên quân sự Việt Nam đã được phân bố đến 176 địa điểm ở Nga để học tập. Một bản ghi nhớ về hợp tác quân sự song phương giai đoạn 2018 - 2020 đã được ký kết. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi tháng 4/2018 rằng: “Việt Nam là đối tác lâu năm của chúng tôi, là người chúng tôi tin tưởng vào các mối quan hệ dựa trên tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi. Đối với chúng tôi, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong việc bảo đảm an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.


Xem thêm: 

No comments:
bình luận nhận xét bạn đọc

Note: Only a member of this blog may post a comment.