Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

23 October 2018

Tàu chiến Mỹ đi dọc eo biển Đài Loan chọc giận TQ

Hải quân Mỹ đã cử hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan hôm qua trong bối cảnh căng thẳng đang lên cao với Trung Quốc về một loạt vấn đề. 

Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur đã đi qua eo biển từ phía Nam lên phía Bắc. 


Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nate Christensen nói: “USS Curtis Wilbur và USS Antietam đã thực hiện một chuyến di chuyển qua eo biển Đài Loan thông thường vào ngày 22/10 phù hợp với luật pháp quốc tế. Chuyến đi của các tàu này qua eo biển Đài Loan chứng minh cam kết của Mỹ với một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”. 

Hai quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng nhiều tàu chiến Trung Quốc đã theo dõi hai tàu Mỹ trong chuyến đi ở một cự ly an toàn. 

Eo biển Đài Loan rộng chừng 110 dặm phân chia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan và được xem là một điểm nóng địa chính trị tiềm năng vì Bắc Kinh luôn theo đuổi thu hồi hòn đảo này bằng vũ lực. 

Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền với Đài Loan - một hòn đảo có chính phủ riêng, khi xem đây là một tỉnh cứng đầu. 

Mặc dù eo biển này là một vùng biển quốc tế, Trung Quốc vẫn thấy rất nhạy cảm về sự xuất hiện của lực lượng quân sự Mỹ tại đây. Những năm gần đây, Mỹ chỉ cho tàu chiến đi qua eo biển này một lần mỗi năm. Hải quân Mỹ đã không cho tàu sân bay nào đi qua khu vực này từ năm 2007. 

Tuy nhiên, tần suất của những chuyến đi này đã tăng lên trong năm nay khi tháng 7 vừa qua Mỹ cũng đã cho 2 tàu khu trục đi qua eo biển. 


Bất chấp việc thiếu quan hệ ngoại giao chính thức, Đài Loan vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực và chính quyền Trump đã theo đuổi quan hệ gần gũi hơn giữa Washington và Đài Bắc. 

Quan hệ đồng minh với Đài Loan đã bị các quan chức ở Bắc Kinh chỉ trích nhiều năm. 

Quân đội Trung Quốc đã thực hiện các cuộc diễn tập quy mô lớn ở eo biển Đài Loan hồi tháng 4, những bài tập mà các nhà phân tích thấy như một lời cảnh báo cho sự gia tăng quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan. 

Vấn đề Đài Loan đã nổi lên trong những cuộc gặp gần đây giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa hôm thứ Năm tuần trước bên lề hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ở Singapore. 

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề ASEAN và Thái Bình Dương Randall Schiriver nói với các nhà báo đi cùng Mattis rằng: “Bộ trưởng Ngụy đã nêu mối lo ngại Đài Loan về chính sách của chúng tôi. Mattis đã tái cam kết với Bộ trưởng Ngụy rằng chúng tôi không thay đổi chính sách Đài Loan và chính sách một nước Trung Quốc của chúng tôi”. Nói về các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông, ông Mattis đã nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục có khác biệt. 

Một cuộc gặp dự kiến trước đây ở Bắc Kinh giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng đã bị hủy cuối tháng trước vì căng thẳng Mỹ - Trung xoay quanh việc chính quyền Trump trừng phạt Bắc Kih vì mua các hệ thống vũ khí Nga. 

Mỹ đã gia tăng chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. 


Mattis nói tại cuộc họp ASEAN với Mỹ sau cuộc gặp Ngụy Phụng Hòa rằng: “Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và các hành động hung hăng trong vùng biển quốc tế làm mất ổn định khu vực và đe dọa các nỗ lực để thúc đẩy an ninh... Mỹ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và chúng tôi khuyến khích mọi quốc gia tự tin thực hiện quyền làm các việc tương tự”. 

Các quan chức quốc phòng Mỹ trước đó nói với CNN rằng quân đội Mỹ đang cân nhắc một cuộc phô diễn lực lượng lớn để chứng minh Mỹ đã chuẩn bị để ngăn chặn và phản công lại các hành động quân sự của Trung Quốc. 

Tuần trước, Mỹ đã bay máy bay B-52 gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và tháng trước, tàu khu trục USS Decatur đã đi vào 12 hải lý của 2 hòn đảo trên quần đảo Trường Sa trong chiến dịch Mỹ gọi là “Tự do hàng hải”. 

Trong hoạt động đó, một tàu khu trục Trung Quốc đã đi vào cách tàu Mỹ chỉ 41m buộc nó phải di chuyển để tránh va chạm. Mỹ đã dán nhãn cho hành động của tàu Trung Quốc là không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trong khi Bắc Kinh nói Mỹ đe dọa an toàn và chủ quyền của Trung Quốc. 


No comments:
bình luận nhận xét bạn đọc

Note: Only a member of this blog may post a comment.