Gần đây, một số trang mạng và fanpage trên mạng xã hội lan truyền một bức ảnh chụp một trạm thu phí đường bộ với dòng chữ “MUA VÉ - HOẶC BỊ NHỐT VÀ BỊ CẨU XE”. Tuy nhiên bức ảnh này thực chất là một bức ảnh chế thô thiển bằng các phần mềm chỉnh sửa ảnh.
Xin tóm tắt nội dung câu chuyện như sau: Trên một số trang mạng hôm 17/3 đăng bài viết bảo rằng vào 8h sáng ngày 15/3/2019 “một ngày mà tất cả các group về xe, về luật về giao thông tràn ngập hình ảnh các lực lượng đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài... Có lẽ phải đến 300- 400 người với phương tiện máy móc hiện đại, các thiết bị phá sóng dày đặc xung quanh trạm. Tất cả những lực lượng này bảo đảm trật tự để cái Trạm thu phí sai hoàn toàn này tiếp tục chặn và thu tiền của tất cả các xe đi qua.
Gần như không có sự lựa chọn nào ngoài việc trả phí. Bởi vì nếu không trả phí, xe cẩu lập tức bốc ra ngay, tất cả những người dân sử dụng điện thoại để quay, để chụp lại đều bị khống chế. Không còn 1 con đường nào khác ngoài cách ngậm ngùi nộp tiền. Gần như không 1 cơ quan báo đài nào đăng tin, tất cả chỉ truyền tay qua các group trên mạng xã hội, sự im lặng đáng sợ khiến người dân không có sự cầu cứu nào khác. Tất cả đều ngậm ngùi ngoan ngoãn chấp hành dưới sự giám sát dày đặc của các lực lượng an ninh”.
Những fanpage kiểu này thường chia sẻ nhiều tin giả, tin bịa đặt hoặc tin chưa được kiểm chứng nhưng lại có khá đông người đọc. |
Trên đây là tôi trích dẫn nguyên văn một đoạn đầu trong bài viết “Mua vé - Hoặc bị nhốt và bị cẩu xe!” đăng trên trang mạng có tên miền motgiadinh.net. Những dòng lủng củng, mang đậm phong cách tự sự, kể khổ như trên khiến cho nhiều người tưởng thật. Thế rồi còn cả những miêu tả nghe rất hoành tráng với “300- 400 người với phương tiện máy móc hiện đại, các thiết bị phá sóng dày đặc xung quanh trạm”, rồi thì “tất cả những người dân sử dụng điện thoại để quay, để chụp lại đều bị khống chế”... Thử hỏi, một cái trạm BOT, nếu có chuyện những người đi đường phản đối nó thì lực lượng chức năng có cần lãng phí phải dùng đến thiết bị phá sóng hay không khi mà giá vé chỉ là 10.000 đồng một xe. Thứ hai, câu miêu tả rằng tất cả những ai dùng điện thoại quay đều bị khống chế thì lại là sự dốt nát. Bởi vì nếu thật sự có chuyện như thế thì người đi đường ngu đến mức không biết đường ở trong xe quay hay sao mà phải móc điện thoại chui ra ngoài quay?
Nhưng chốt lại, những đoạn bắt bẻ của tôi ở trên đây cũng chỉ là mất công để quý vị thấy sự phi lý trong logic câu chuyện. Còn điểm mấu chốt để biết đúng sai nó nằm ngay ở cái ảnh. Rất nhiều người khi đọc bài có tâm lý bán tín bán nghi nhưng khi nhìn thấy cái ảnh họ liền tin ngay. Vậy mấu chốt chỉ nằm ở bức ảnh. Nếu ảnh là ảnh chế, ảnh ghép thì tất cả những kể lể trong bài viết của các trang mạng chỉ là bịa đặt láo toét.
Và sự thật là ở đây. Dưới đây là hai bức ảnh. Bức ảnh không có dòng chữ là ảnh trong bài “Nhiều năm đề nghị ‘khai tử’: BOT Bắc Thăng Long vẫn thu tiền đều đều” đăng trên báo Tiền Phong ngày 8/6/2018. Bức ảnh này là bức ảnh số 3 tính từ trên xuống của bài viết. Đặt hai bức cạnh nhau, quý vị hẳn đã thấy rõ đâu là thật đâu là giả. Những kẻ tung tin bịa đặt này đã dùng những phần mềm chỉnh sửa ảnh để dán thêm cho cái trạm thu phí này dòng thông điệp cực kỳ “thách thức” như trên. Thủ đoạn này thực ra chỉ là để nhằm kích động tâm lý người dân. Bởi vì vấn đề trạm thu phí Bắc Thăng Long đã là vấn đề tranh cãi trong thời gian qua.
Đây là ảnh thật về trạm BOT Bắc Thăng Long. |
Còn đây là bức ảnh thật sau khi đã được dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để dán thêm một dòng bịa đặt vào bảng led ở trên. |
Để tìm hiểu thật giả trong bức ảnh vừa rồi, phương pháp của tôi rất đơn giản. Đó là tải bức ảnh giả về máy rồi sau đó tải nó lên công cụ tìm kiếm bằng ảnh của google. Sau một giây, đã xuất hiện những bài báo có sử dụng bức ảnh gốc và không khó để phát hiện ra kẻ tung tin bịa đặt đã lấy ảnh từ đâu để chế. Tuy vậy, với nhiều người không thạo về lĩnh vực công nghệ, máy tính thì việc này cũng là hơi khó khăn.
Nhưng dù cho không cần tìm kiếm bằng ảnh thì bạn vẫn có thể phát hiện ra cái chỗ giả trá của bức ảnh nếu quan sát kỹ một chút và phân tích. Bởi vì cái nền mà dòng chữ được đặt lên là một tấm bảng đèn led. Thông thường bên trên các trạm thu phí đường bộ đều có bảng đèn led này và các dòng chữ trên đó bao giờ cũng là chữ màu đỏ vì màu đỏ có ưu điểm hơn các màu khác là có thể nhìn thấy rõ từ rất xa. Trong khi đó, dòng chữ trong ảnh giả lại là màu trắng và font chữ, kiểu chữ cũng không giống với font chữ và kiểu chữ chạy trên các bảng led ở các trạm thu phí.
Xin chốt lại vấn đề là: Những bức xúc của người dân về một số bất cập của các trạm BOT là có thật nhưng công chúng cần hết sức cảnh giác với những chuyện bịa đặt trắng trợn như bức ảnh và bài viết mà tôi đã phân tích ở trên. Một sự việc nhỏ thôi nhưng nếu không đi tìm kiếm sự thật, người đọc sẽ bị nuôi dưỡng trong lòng sự bất mãn, ghét bỏ và thậm chí là đi vào tư tưởng thù địch với chính quyền, nhà nước vì cho rằng họ đã làm những việc xấu xa. Một lần nữa tôi xin khuyến cáo quý vị và các bạn: mạng xã hội mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích về liên lạc nhưng nó cũng là một môi trường đầy rẫy những kẻ xấu luôn tìm cách tung tin giật gân, tin giả mạo để hòng câu like, câu view, câu chia sẻ của bạn nhằm kiếm lợi cho họ. Và đặc biệt là có những thế lực cố tình tranh thủ sự việc ở nước ta để kích động gây mất ổn định nội bộ Việt Nam.
Dưới đây là hai đường link để quý vị xem xét tường tận:
http://motgiadinh.net/mua-ve-hoac-bi-nhot.html
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-nam-de-nghi-khai-tu-bot-bac-thang-long-van-thu-tien-deu-deu-1282424.tpo
Cái bon tin lá cải 😡 nhung đâu ai biết dung sai !!!
ReplyDelete