Icon

Hồ Sơ

Hồ Sơ

27 March 2020

Báo Đức: Việt Nam đang chiến thắng cuộc chiến chống Covid-19 như thế nào?

Là một nước láng giềng đông dân với Trung Quốc, Việt Nam có một hệ thống y tế không mấy điều kiện và một ngân sách nhỏ cho cuộc chiến chống coronavirus. Vậy nhưng họ đã làm thế nào để giữ tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp như vậy? 


Khi virus corona hoành hành ở các nước châu Âu giàu có - nơi ở cách chỗ khởi đầu dịch bệnh là Trung Quốc hơn 10000 km, Việt Nam đã cơ bản trụ vững. 

Chỉ tính riêng ở Đức, số liệu mới nhất từ WHO cho thấy hơn 30.000 người đã bị nhiễm Covid-19 và 149 ca tử vong. Tuy nhiên Việt Nam có đường biên giới dài hơn 1000 km với Trung Quốc lại chỉ có 134 ca nhiễm (chú thích: đến thời điểm bài báo đăng, còn hiện nay Việt Nam đã ghi nhận trên 150 ca nhiễm) và không có ca nào tử vong kể từ khi dịch bệnh xuất hiện hồi tháng 1. 

Ngay cả khi chúng ta xem xét những số liệu này với một sự thận trọng thì cũng có một điều rõ ràng là: Cho đến nay Việt Nam đã làm tốt trong việc chống coronavirus. 



Trong dịp Tết hồi cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam nói họ đã “tuyên chiến” với coronavirus dù cho dịch bệnh này lúc đó vẫn chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong một cuộc họp của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng dịch bệnh này sẽ sớm lan sang Việt Nam. Ông Phúc nói: “Chống dịch bệnh như chống giặc”. 

Huy động trên mọi mặt trận 

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu này sẽ phụ thuộc nhiều vào ngân sách của chính phủ và khả năng chịu đựng của hệ thống y tế, cả hai điều này Việt Nam đều thiếu. 

Việt Nam không có khả năng để thực hiện một cuộc chiến chống Covid-19 theo kiểu Hàn Quốc - nơi đến nay đã thực hiện 350000 xét nghiệm. Hệ thống y tế Việt Nam cũng hạn chế. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, thành phố 8 triệu dân, đã nói rằng các bệnh viện của thành phố có tổng 900 giường chăm sóc đặc biệt. Một dịch bệnh ở thành phố này sẽ dễ dàng vượt qua khả năng đó. 


Để chiến đấu chống Covid-19, Việt Nam đã thực hiện chính sách cách ly nghiêm ngặt và thực hiện truy vết tất cả những người đã tiếp xúc với virus. Những biện pháp này đã được thực thi sớm hơn nhiều trong quá trình dịch bệnh so với Trung Quốc - nơi đã phong tỏa toàn bộ các thành phố để ngăn chặn sự lây lan của virus. 

Ví dụ, ngày 12/2, Việt Nam đã cách ly toàn bộ một xã với 10000 dân ở gần Hà Nội trong 3 tuần. Lúc đó mới chỉ có 10 ca nhiễm Covid- 19 được xác nhận trên toàn quốc. Nhà chức trách cũng ghi nhận rộng rãi và tỉ mỉ bất kỳ ai có tiềm năng tiếp xúc với virus. 

Các nước phương Tây như Đức chỉ ghi nhận những ca đã nhiễm bệnh và những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm. Việt Nam cũng thực hiện truy vết những người tiếp xúc F2, F3, F4 tính từ người nhiễm bệnh. Tất cả những người này sau đso sẽ phải hạn chế di chuyển và tiếp xúc rất nghiêm ngặt. 

Và từ rất sớm, bất kỳ ai đến Việt Nam từ những vùng có nguy cơ cao sẽ bị cách ly 14 ngày. Mọi trường học cũng bị đóng cửa từ đầu tháng 2. 

Sự giám sát nhà nước 

Thay vì phụ thuộc vào công nghệ và thuốc để ngăn chặn corona bùng phát, bộ máy an ninh nhà nước vốn đã mạnh mẽ của Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi bên cạnh một lực lượng quân đội được cung cấp tốt và luôn được tôn trọng. 


Các quan chức an ninh có thể được phát hiện trên mọi đường phố và đi vào mọi khu dân cư ở mọi làng quê. Quân đội cũng đang triển khai binh sỹ và phương tiện trong cuộc chiến chống coronavirus. Sự giám sát rộng rãi này đã cơ bản giữ cho mọi người không trốn tránh các quy định hay vượt qua khu vực phong tỏa. 

Nhưng cũng có một nhược điểm là những người bị nhiễm Covid-19 bị tẩy chay trong cộng đồng và trên truyền thông xã hội. Một phụ nữ đã nổi tiếng ở Việt Nam vì mang virus này về Hà Nội sau khi đi du lịch châu Âu. Cô này bị lăng mạ trên mạng xã hội vì đã phớt lờ các chỉ dẫn như khai báo với nhà chức trách và cách ly. 

Cô ta cũng là một trường hợp đặc biệt vì khi cô ta về nước, 16 người nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam đã được điều trị khỏi. Cô gái này bị xem là người đã mang virus trở lại. Sự tẩy chay với những ai bị nhiễm virus đã tạo ra một áp lực xã hội khổng lồ buộc người ta phải tuân thủ các quy định của chính phủ. 

Ngôn từ hùng biện 

Việt Nam cũng đang áp dụng những ngôn từ hùng biện trong cuộc chiến chống coronavirus. Thủ tướng đã nói: “Mỗi doanh nghiệp, công dân và các khu dân cư phải là một pháo đài ngăn chặn dịch bệnh”. 


Điều này đã tác động vào tinh thần nhiều người Việt Nam - những người tự hào về khả năng sát cánh cùng nhau trong khủng khoảng và chịu đựng gian khổ. 

Truyền thông nhà nước cũng tung ra những chiến dịch thông tin khổng lồ. Bộ Y tế thậm chí tài trợ một ca khúc trên Youtube về cách rửa tay đúng đắn và nó đã được lan truyền rộng rãi trên mạng. 

Tuân thủ quy định

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào để chứng minh nhưng cảm xúc trên mạng xã hội và các cuộc trò chuyện với người Việt Nam đã chỉ ra rằng đại đa số công chúng đồng tình với các biện pháp của chính phủ. 


Họ tự hào rằng Việt Nam cho đến nay đang đối phó tương đối tốt với dịch bệnh. Người chiến binh chống coronavirus nổi tiếng nhất của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được ca ngợi trên Facebook như “anh hùng dân tộc”. 

Người dân cũng chấp nhận sự kiểm soát trên truyền thông. Các thiệt hại được dự đoán sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, mặc dù khả năng này chưa rõ ràng, cũng đã được dân chúng chấp nhận rộng rãi. 

Theo số liệu chính phủ, 3000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong 2 tháng đầu năm 2020. Các tập đoàn lớn như Vin Group đã đóng cửa hàng chục khách sạn và khu nghỉ dưỡng vì sự suy giảm du khách và khiến nhân viên phải nghỉ việc. 

Để giảm nhẹ gánh nặng, chính phủ Việt Nam đã bơm 1,1 tỷ USD vào nền kinh tế. Tuy nhiên các quan chức tài chính dự kiến rằng nguồn thu thuế sẽ cạn kiệt vì cuộc khủng hoảng bệnh dịch này. Chính phủ cũng đang kêu gọi quyên góp - và người dân đang cung cấp những gì họ có thể vì họ tin tưởng vào chính phủ của mình trong cuộc chiến này. 

Theo Deutsche Welle

No comments:
bình luận nhận xét bạn đọc

Note: Only a member of this blog may post a comment.